Theo một nghiên cứu mới đây được công bố bởi Deutsche Bank có tên ‘Imagine 2030’, nền tài chính trong hai thập kỷ tới được dự đoán sẽ có khả năng chuyển đổi cơ bản từ tiền pháp định, tiền mặt và thẻ sang các loại tiền tệ thay thế khác, cụ thể là vàng và tiền điện tử. Một trong những nguyên nhân chính của sự chuyển đổi này được xác định là do chi phí lao động thấp và “áp lực tiền lương thực tế giảm xuống trong nhiều thập kỷ”.
“Các cơ quan quản lý hệ thống tiền pháp định hiện tại có mối liên kết khá yếu ớt và rất có thể sẽ bị phá vỡ hoàn toàn vào những năm 2020”, bài nghiên cứu nhận định.
Bài viết này trùng hợp với sự phát triển đồng thời của tiền điện tử và Blockchain trong năm nay khi ngày càng nhiều các ngân hàng trên toàn thế giới thực hiện bước đột phá trong việc tạo ra tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Sự ảnh hưởng của các siêu cường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ đến thị trường tài chính cũng như sự tiến bộ của họ trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số có thể sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với thế giới còn lại trong việc chuyển từ tiền pháp định sang các loại tiền thay thế khác.
Trung Quốc cấm các loại tiền điện tử nói chung, nhưng ý định tạo ra tiền kỹ thuật số Nhân dân tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã được công bố vào tháng 8 năm nay. Tương tự như vậy, Ấn Độ cũng đang xem xét phát hành tiền kỹ thuật số Rupee của riêng mình thông qua Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI).
Deutsche Bank đã chỉ ra năng lực của Trung Quốc trong việc đưa những cải tiến công nghệ vào các dịch vụ tài chính như thanh toán, và quan trọng hơn là thay đổi quan điểm của công chúng trong việc chấp nhận và thích nghi nhanh chóng với những thay đổi đó. Chẳng hạn như những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc trong việc khiến người dân chuyển từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán bằng điện thoại di động đã thành công bất ngờ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
“Các công ty công nghệ tài chính và điện thoại thông minh đang mang đến những cải tiến mới về dịch vụ ngân hàng và việc tạo ra một hệ sinh thái tích hợp mới hoàn toàn là điều có thể thực hiện được”, Marion chia sẻ trong nghiên cứu của mình.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ tiền mặt sang tiền kỹ thuật số và các loại tiền thay thế vẫn phải đối mặt với một rào cản rất lớn. Bài viết cũng đã chỉ ra một thách thức chính đó là sự đối lập về các quy định của nhà nước. Nếu chính phủ và các tổ chức tài chính ủng hộ việc sử dụng các lựa chọn thay thế này và áp dụng đại trà đến toàn bộ công chúng thì xu thế sử dụng tiền điện tử hoặc tiền kỹ thuật số trên thế giới sẽ là việc trong tầm tay.