Ngân hàng DBS của Singapore gần đây đã công bố báo cáo hàng quý về tiến trình phát triển tiền điện tử và tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), trọng tâm là tìm hiểu ngành công nghiệp non trẻ này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã đưa CBDC trở thành tâm điểm chú ý, nơi thanh toán kỹ thuật số không còn chỉ đơn giản là vấn đề thích hay không thích, mà là một thực tế mới không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi nó được tích hợp với các công nghệ mới. Báo cáo này là bằng chứng cho thấy các ngân hàng đang bắt đầu xem xét thị trường tiền điện tử một cách nghiêm túc, thay vì chỉ coi nó là một thị trường đầu cơ không có cơ sở rõ ràng.
Thanh toán kỹ thuật số hầu như không phải là một khái niệm mới, nhưng vẫn chưa có một động lực đủ lớn nào để các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân xem xét việc phụ thuộc ít hơn vào tiền mặt cho đến năm nay. Trong khi các ngân hàng trung ương đã thúc đẩy những đổi mới trong lĩnh vực tài chính trong nhiều thập kỷ qua, sự xuất hiện của các giải pháp FinTech tư nhân đã được chứng minh là một thách thức đối với các ngân hàng, bởi khái niệm về cung ứng tiền truyền thống và lưu trữ giá trị đã thay đổi cùng với việc nhận thức và áp dụng tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số.
“Được coi là sự đầu cơ, phương án dự phòng, hay đơn giản là một phần của đa dạng hóa danh mục đầu tư, các loại tiền kỹ thuật số đã chiếm được cảm tình của các nhà đầu tư. Kể từ khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới bắt tay vào việc mở rộng bảng cân đối kế toán chưa từng có của họ để chống lại các cơn bão kinh tế ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sự quan tâm đến tiền điện tử, cùng với vàng, đã quay trở lại”, DBS lưu ý.
Khi phần lớn các ngân hàng trung ương trên toàn cầu bắt tay vào lộ trình CBDC và đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau, Singapore cũng đã và đang chuyển hướng một cách dứt khoát theo hệ thống thanh toán xuyên biên giới dựa trên Blockchain thông qua Dự án Ubin. Hiện nó vẫn chưa được coi là một CBDC bản địa hóa, nhưng vì Singapore có tham vọng dẫn đầu cuộc chơi để duy trì vị trí là một trung tâm đổi mới và thân thiện với tiền điện tử hàng đầu trên toàn cầu, chắc chắn rằng họ đã nghiên cứu CBDC một cách toàn diện hơn.
Hơn nữa, giá trị các giao dịch kỹ thuật số ở thị trường châu Á thấp hơn giá trị ở các nền kinh tế lớn khác, bao gồm cả Hoa Kỳ và châu Âu. Riêng ở châu Á, thị phần Trung Quốc thống trị toàn bộ Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác với tỷ suất lợi nhuận lớn là 78%. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì Trung Quốc đang tích cực mở rộng số lượng các thành phố thử nghiệm DCEP, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc, để đảm bảo rằng nó có thể được sử dụng thành công trên quy mô quốc gia mà không gặp bất cứ vấn đề lớn nào. Nhật Bản vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và tìm kiếm một đồng yên kỹ thuật số tiềm năng hơn, trong khi Hàn Quốc chỉ mới bắt đầu chương trình thí điểm đồng Won kỹ thuật số kéo dài 22 tháng của họ.
DBS kết luận rằng viễn cảnh sử dụng CBDC một cách rộng rãi ở tất cả các quốc gia vẫn còn chưa chắc chắn bởi những nguyên nhân về chính trị. An ninh và luật pháp cũng là những mối quan tâm khác cần phải nghiên cứu, chưa kể đến việc thay đổi nhận thức của công chúng vốn phụ thuộc nhiều vào tiền mặt.
“Sức hấp dẫn của tiền điện tử đã bắt đầu chuyển từ quyền riêng tư và ẩn danh (điều khiến các nhà quản lý lo lắng) sang sự tiện lợi và bảo mật. Sự sụp đổ của hệ thống tiền mặt tuy vậy vẫn chưa thể xác định được sẽ diễn ra vào thời điểm nào trong tương lai, và chủ quyền đối với các vấn đề về tiền bạc cũng sẽ không biến mất ”, trích bản báo cáo.
Bạn đọc có thể quan tâm: Hiệp Hội Crypto Singapore Công Bố Các Tiêu Chuẩn Mới Để Giám Sát Hoạt Động Tiền Điện Tử