Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên kỹ thuật số, nơi công nghệ Web 3.0, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ sổ cái phân tán… đang được tích hợp ngày càng rộng rãi trong các quy trình thuộc mọi loại ngành nghề. Chính phủ và các doanh nghiệp từ lâu đã đặt mục tiêu số hóa các hệ thống truyền thống, nhưng có lẽ đây vẫn chưa phải là một mục tiêu ưu tiên. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài thích nghi với một thế giới kỹ thuật số, nơi công nghệ Blockchain đã phát huy vai trò tối ưu trong việc bảo mật dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các tác nhân độc hại trên Internet, đồng thời là một biện pháp đáng tin cậy để thực hiện các hoạt động trực tuyến từ xa mà không cần phải gặp mặt trực tiếp, chẳng hạn như bỏ phiếu trên toàn quốc. Ở các quốc gia châu Á, công nghệ blockchain trở nên ngày một phổ biến.
Theo báo cáo của Nikkei Asian Review, các doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản đang thúc đẩy sử dụng Blockchain để xác thực các tài liệu kỹ thuật số, tránh tình trạng các tài liệu quan trọng có thể bị làm giả dưới dạng văn bản giấy tờ. Công nghệ này đồng thời còn tạo điều kiện cho việc cung cấp các tin tức xác thực, loại bỏ tin tức giả mạo trong thời kỳ khủng hoảng. Bằng cấp chứng chỉ tốt nghiệp của các sinh viên cũng có thể được xác minh trực tuyến, giúp quá trình xin việc suôn sẻ hơn và thuận tiện hơn nhiều cho các nhà tuyển dụng và cả các nhân viên tiềm năng. Thêm vào danh sách này, các nhà hàng ở Nhật Bản cũng đã bắt đầu gửi các phiếu thưởng kỹ thuật số và phí bảo hiểm để thích ứng với môi trường kỹ thuật số mới.
Đặc biệt, quyền biểu quyết thông qua xác minh và xác thực cũng đã được các doanh nghiệp và các tổ chức tại Nhật Bản áp dụng trong các cuộc họp cổ đông. bitFlyer Holdings đã tạo ra một ứng dụng dựa trên Blockchain kết nối với hệ thống nhận dạng công dân trên toàn Nhật Bản. Việc bỏ phiếu có thể được thực hiện từ xa mà không phải lo lắng về các hành vi gian lận có thể diễn ra. Mặc dù bỏ phiếu ở cấp quốc gia cho các sự kiện quan trọng như bầu cử chính phủ dân chủ vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, nhưng có thể dễ dàng hiểu tại sao việc số hóa quy trình bỏ phiếu lại là điều nên làm trong một thế giới vẫn còn đang trải qua đại dịch như hiện nay. Tại Hoa Kỳ, Bưu điện Hoa Kỳ gần đây đã nhận được bằng sáng chế cho một hệ thống bỏ phiếu dựa trên Blockchain cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới khi ông Trump tiếp tục bác bỏ việc bỏ phiếu qua thư của công dân.
Ở các khu vực khác tại Châu Á, công nghệ Blockchain cũng ngày càng trở nên hữu ích trong thời kỳ đại dịch. Hãng Agrocorp International có trụ sở tại Singapore đang hợp tác với nhiều tổ chức và công ty để giám sát chuỗi cung ứng nông sản trên toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch và cắt giảm 75% thời gian giải quyết các giao dịch, trong khi ngành bảo hiểm của Trung Quốc đang phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ Blockchain để xác nhận giao dịch giữa nhà cung cấp bảo hiểm và khách hàng.
Bạn đọc có thể quan tâm: Hệ Thống Tài Chính Ở Li Băng Bị Tê Liệt, Quỹ Cứu Trợ Crypto Được Thiết Lập Cho Khủng Hoảng ở Beirut